Top Ad unit 728 × 90

Mới cập nhật

Đất nước & Con người

Tứ đại cố đô nổi tiếng Trung Quốc là những thành phố nào?

Người Trung Quốc không thích con số 4 vì cho rằng “tứ” gần âm với “tử” - mang ý nghĩa xui xẻo. Nhưng những nhân vật, những địa danh, những thành tựu văn hóa, những dấu mốc lịch sử đều được cô đọng trong nhóm tứ và được gọi là “Trung Quốc tứ đại”. Ngoài “tứ đại mỹ nhân”, “tứ đại danh tác”, “tứ đại Phật giáo linh sơn”… Trung Quốc còn có “tứ đại cố đô” nổi tiếng gồm: Tây An, Lạc Dương, Bắc Kinh và Nam Kinh.

1. Tây An


Tây An hay còn gọi là Trường An, 1 trong 4 kinh đô lớn trong lịch sử Trung Hoa, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây. Tây An có lịch sử hơn 3.100 năm này là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà.

Cung điện Đại Minh
Mười ba vương triều Trung Quốc là Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tùy, Đường, Minh... đã đóng đô ở đây nên Tây An trải qua ngàn năm là một kinh đô hoa lệ, phố hội tấp nập với những đền đài, lăng tẩm hoành tráng.

Tây An còn là điểm kết thúc phía Đông của Con đường tơ lụa huyền thoại. Danh tiếng của Tây An có thể sánh ngang với Thủ đô Athens của Hy Lạp, Cairo của Ai Cập và Rome của Ý.

Con đường tơ lựa huyền thoại
Hiện nay Tây An là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Trung Quốc, có lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Binh Mã Dũng, Minh Tường Thành cùng nhiều thắng cảnh khác nổi tiếng thế giới.

Khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng cách thành phố Tây An 35 km về phía Đông. Khu lăng mộ nằm bên sông Vị, tựa lưng vào núi Ly Sơn. Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế có công thống nhất Trung Hoa, lên ngôi vua lúc 13 tuổi. Khi vừa lên ngôi, ông đã bắt đầu cho xây lăng mộ. Công trình xây dựng suốt 37 năm mới hoàn thành. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có quy mô to lớn, hùng vĩ. Tương truyền, lăng mộ chu vi khoảng 2.000 mét, cao hơn 100 mét, do tác động của thời gian, mưa gió lăng mộ hiện chỉ còn cao khoảng 47 mét. Lăng mộ của bị vua này bề thế, tiềm ẩn và vô cùng độc đáo. Theo đó, có 1 cung điện dưới lòng đất, có nhiều ngọc trai và châu báu. Cách lăng 1,5 km là 4 hầm Binh mã dũng bằng đất nung, được người ta mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Đội quân đất nung bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Một di tích khác thu hút khách du lịch là Minh tường thành, đến nay đã có lịch sử hơn 600 năm. Tường thành cao 12 m, chân tường dày 18 m, trên bề mặt rộng 12-14 m, chu vi 13,74 km với một hào sâu bao quanh. Cứ 120 m lại có 1 tháp canh, tổng cộng 98 cái. Phía ngoài của tường thành có 5.948 lỗ châu mai để binh lính quan sát bắn tên; mặt bên trong có lan can. Tường thành có 4 cổng tại 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc; cửa Vĩnh Ninh ở phía Nam của tường thành trang trí rất đẹp mắt. Mỗi cổng có 3 tháp, trong đó có một tháp nằm bên ngoài, tách biệt với tường thành dùng để nâng và hạ chiếc cầu treo qua hào sâu. Giữa các cổng có một lối đi dốc dẫn lên đỉnh tường thành. Ban đầu tường thành được xây bằng đất, vôi và hồ, sau đó được xây lại bằng gạch.

Tháp Đại Nhạn có niên đại trên 1.300 năm cũng là một thắng cảnh đáng xem tại Tây An. Tháp gắn liền với sự tích đi thỉnh kinh của Đường Tam Tạng trong truyện Tây Du ký của Ngô Thừa Ân. Tháp cao 64 mét, gồm 7 tầng là nơi để chứa kinh Phật và xá lợi Phật. Hiện tháp còn lưu giữ nhiều áng kinh Phật cổ, thu hút sự hiếu kỳ của khách du lịch.

Tây An còn có tháp chuông gọi là Chuông Lầu lớn và được bảo tồn nguyên vẹn nhất Trung Quốc. Tháp được Chu Nguyên Chương xây dựng năm 1384 bằng gỗ, cao 36 mét trên bục vuông bằng gạch chu vi 160 mét, cao 8,6 mét. Tháp gồm hai tầng với 3 mái chìa cong, trên mái điểm xuyết những miếng vàng lá óng ánh. Bên trong tháp có một cầu thang xoắn, nhiều bức họa sơn son thếp vàng, một quả chuông nặng 5 tấn đúc vào thời Minh. Tầng hai của tháp có một bộ trang trí bằng sứ ghi lại việc di dời tòa tháp đến vị trí mới cách vị trí ban đầu 1km năm 1582.

2. Lạc Dương


Lạc Dương là kinh đô cổ đại của 13 triều đại Trung Quốc trong hơn 1500 năm. Trong số đó có nhà Đông Chu, Đông Hán và triều đại Bắc Ngụy.

Nằm bên bờ sông Lạc Hà, phía Tây tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Lạc Dương được phong làm “Thần đô”, bởi đây là cái nôi quan trọng trong nền văn minh Hoa Hạ. Do tập trung nhiều tao nhân mặc khách như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…, Lạc Dương còn được gọi với cái tên: “Thi đô”, tức là “đô thành của thi nhân”, lại tập trung nhiều hoa mẫu đơn bậc nhất xứ sở nên được gọi là “Hoa đô”, nghĩa là “đô thành hoa nở”.

Lạc Dương là cái nôi của Phật giáo Trung Hoa. Nằm cách Lạc Dương chừng 12 cây số về phía Đông, Bạch Mã Tự là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Trung Quốc, được xây cất khoảng năm 68. Ngôi chùa với rất nhiều truyền thuyết cổ xưa. Chùa có cổng Tam quan, Thiên vương điện, lại có La Hán đường và nhiều khu điện thâm nghiêm, được bảo tồn rất tốt đến ngày nay. Phía Đông chùa Bạch Mã còn có tháp Tề Vân, cao tới 13 tầng. Theo lời đồn, nếu đứng quanh tháp mà vỗ tay, bạn sẽ nghe thấy tiếng ếch kêu vọng lại.

Cổng chùa Bạch Mã Tự
Nếu như Bạch Mã Tự là điển hình của kiến trúc chùa chiền Phật giáo Trung Quốc thì Long Môn Động, hay Long Môn Thạch Quật (hang đá Long Môn) - cách Lạc Dương 12 cây số về phía Nam - lại là hình mẫu của các công trình trạm trổ, điêu khắc tượng Phật trong vách núi đá. Cùng Mạc Cao (ở Cam Túc) và Vân Cương (Sơn Tây), hang đá Long Môn là một trong 3 địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, đã được xếp hạng di sản văn hóa thế giới tháng 11-2000. Theo nghiên cứu, nơi đây có tới 2.345 hang động và hốc, 2.800 câu khắc và hơn 100.000 tượng Phật có niên đại từ thời Bắc Ngụy và Đường. Long Môn Động đã được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa năm 2000.

Hang đá Long Môn
Không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử và tín ngưỡng, Lạc Dương còn được biết đến như trung tâm nuôi trồng gần 200 loài mẫu đơn đẹp nhất của Trung Quốc, với hàng loạt triển lãm hoa mẫu đơn - mang tên "Lạc Dương mẫu đơn hội" - tổ chức thường niên ở đây. Trong lịch sử Trung Quốc, mẫu đơn được sử dụng từ rất lâu đời trong văn hóa trang trí và là một trong các biểu trưng quốc gia. Cho đến nay, đã nhiều lần mẫu đơn được đề nghị làm quốc hoa của Đại Lục. Việc trồng mẫu đơn rất phổ biến từ thời Tùy Đường và lên đến đỉnh cao thời Tống ở Lạc Dương, mảnh đất từ đó được coi là "thiên hạ vô địch" về loài hoa này.

3. Bắc Kinh


Bắc Kinh là cố đô đồng thời là thủ đô hiện nay của Trung Quốc. Đến Bắc Kinh điều mà ai cũng cảm nhận được đó chính là thành phố của sự cổ kính, hiện đại, vừa tráng lệ ,vừa vĩ đại.

Cố đô Bắc Kinh là thành phố lớn duy nhất tồn tại 3000 năm, nằm ở giữa địa đới bắc bán cầu của trái đất.

Những điểm đến du lịch ở cố đô này là Quảng trường Thiên An Môn. Đây là quảng trường rộng lớn nhất Trung Quốc, được xây dựng vào năm 1417 với diện tích khoảng 440.000 mét vuông. Quảng trường này là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị lịch sử quan trọng của Trung Quốc xưa.

Quảng Trường nằm giữa hai cổng đồ sộ cổ xưa : phía Bắc là Thiên An Môn, phía Nam là Tiền Môn. Dọc theo phía Tây của quảng trường là Đại lễ đường Nhân Dân. Dọc theo phía Đông là viện bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Trung Hoa. Ở giữa Quảng Trường là bia tưởng niệm chủ tịch Mao Trạch Đông. Dọc theo lề phía Đông và phía Tây quảng trường có cây, nhưng bên trong quảng trường thì trống rỗng, không có cậy và ghế ngồi.

Nằm ở phía Tây - Bắc thành phố Bắc Kinh, Di Hòa Viên là kiến trúc vườn Hoàng Gia nổi tiếng trên thế giới, nơi đây nổi tiếng về nghệ thuật hoa viên truyền thống của Trung Quốc. Hai cảnh nổi bật ở đây chính là Vạn Thọ Sơn và hồ Côn Minh. Khuôn viên rộng 294 mẫu, trong đó diện tích hồ chiếm tới 220 mẫu. Vườn trong Di Hòa Viên được chia thành 3 khu vực : khu hành chính (gồm cung Nhân Thọ- nơi Từ Hi tiếp các tiếp các quan lại và giải quyết quốc sự), nổi bật nhất ở đây chính là ngôi chùa Phật Hương. Dưới Vạn Thọ sơn là hồ Côn Minh bao la, gợn sóng, giữa hồ là một hòn đảo nhỏ được nối với bờ bằng một chiếc cầu vồng làm bằng đá gồm 77 nhịp mang tên là Thập Thất Khổng kiều. Ngoài ra còn có khu nghỉ ngơi và khu phong cảnh được trang trí đẹp mắt với cây cối. Cho tới ngày nay Di Hòa Viên vẫn được coi là một trong những công viên đẹp nhất thế giới.

Điểm du lịch ở Bắc Kinh nữa là Vương phủ Hòa Thân là một trong những công trình được bảo tồn hoàn hảo nhất ở Trung Quốc. Đây chính là nơi ở của người có uy quyền nhất Nhà Thanh “ dưới một người, trên vạn người” một vị sủng thần của vua Càn Long – Hòa Thân.

Trong phủ gồm 2 bộ phận hợp thành là phủ đệ và hoa viên. Tổng diện tích 60 nghìn m2, phủ đệ chiếm 32 nghìn m2, hoa viên chiếm 28 nghìn m2.

Bắc Kinh còn có Tử Cấm Thành, là quần thể kiến trúc bằng gỗ cổ đại quy mô lớn nhất, hoàn chỉnh nhất hiện còn trên thế giới. Hoàng đế hai triều Minh, Thanh đã sống và có những ngày cuối cùng khi đế chế diệt vong tại đây vào năm 1911.

Tử Cấm Thành nhìn từ trên cao
Tử Cấm Thành xây dựng năm 1406 (năm Vĩnh Lạc thứ 4 đời Minh) trong 14 năm. Tổng cộng có 9.999 gian phòng dành riêng cho hoàng đế và quyến thuộc.

Tử Cấm Thành được bao bọc bởi Hoàng Thành. Bên trong có viện bảo tàng được gọi là Viện bảo tàng Cố Cung. Cửa chính Ngọ môn ở mặt Nam là nơi hoàng đế kiểm duyệt quân đội. Nơi vua thường xuyên ngự triều là Thái Hòa Điện. Qua khỏi Thái Hòa điện là Trung Hoa điện và Bảo Hòa điện. Đi về phía Bắc là Càn Thanh cung, nơi hoàng đế và quyến thuộc cư trú. Đầu tận cùng phía Bắc của quần thể kiến trúc này là Ngự hoa viên, cổ kính, trang nhã, sang trọng, bên trong có Thái hồ với cây cối, tượng điêu khắc, lâu đài đình các, ao nước và thác. Chỗ vào cửa khu viên lâm yên tĩnh được gọi là Khôn Ninh môn.

Nơi bạn không thể bỏ qua khi đến Bắc Kinh còn có Vạn Lý Trường Thành, là công trình kiến trúc nổi tiếng của Trung Quốc có chiều dài 21.196 km được xây dựng và duy trì bởi nhiều triều đại trong khoảng 2000 năm từ thế kỷ 5 trước công nguyên cho tới thế kỷ 16 để bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn có Phố Vương Phủ Tỉnh - một trong những phố mua sắm nổi tiếng nhất của Bắc Kinh. Đây có thể nói là một thiên đường mua sắm, từ những thương hiệu lớn nhất, nổi tiếng nhất trên khắp thế giới, đến những món hàng chợ đều có thể tìm thấy tại đây. Đặc biệt hơn nữa, khi đến khu mua sắm sầm uất này vào ban đêm,ta còn có thể thưởng thức mọi món ăn truyền thống của Trung Hoa bày bán ở đây. Hay sân vận động tổ chim là công trình xây dựng toàn thép lớn nhất trên thế giới. SVĐ Tổ chim ra đời khi Trung Quốc đảm trách vai trò chủ nhà Thế vận hội mùa hè 2008. Để có được khối kiến trúc kì vĩ này, Trung Quốc đã phải bỏ ra 423 triệu đô la. Đây là một trong những công trình có kiến trúc hiện đại trở thành niềm tự hào của người dân Bắc Kinh nói riêng với nội thất bên trong hiện đại và duyên dáng với những đường cong đặc trưng.

4. Nam Kinh


Nam Kinh nằm trong 4 cố đô của Trung Quốc. Nam Kinh còn có tên là Ninh, nằm ở Tây Nam tỉnh Giang Tô, cạnh sông Trường Giang và núi Chung, ở thế "rồng cuốn, hổ ngồi".

Nam Kinh được đánh giá là vùng đất của đế vương
Nam Kinh bắt đầu xây dựng từ thời Ngô - Tam Quốc, là kinh thành của các triều đại Đông Tấn, Nam Triều, Nam Đường, triều Minh Sở, Thái Bình Thiên Quốc, là kinh thành lịch sử, văn hoá quan trọng của Trung Quốc.

Khu tổng hợp đền Khổng Tử
Nam Kinh được mệnh danh là “thành phố đế vương” giữa lòng Trung Quốc khi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.

Đến Nam Kinh, điểm nổi bật nhất là các tòa nhà được xây dựng theo phong cách Dân Quốc ( trước năm 1949), và ngay cả những khu phố xung quanh đường Yihe và hội trường Meiyuan New Village Memorial Hill cũng đều quy tụ lối kiến trúc Dân Quốc.

Đại học Nam Kinh đẹp tao nhã vào mùa đông
Thêm vào đó, Nam Kinh còn có các lăng mộ, đề đài nổi tiếng như: Lăng Tôn Trung Sơn, lăng Minh Hiếu… Nổi bật hơn cả vẫn là con đường Jimingsi nằm gần chùa Jiming là một trong những cảnh quan đẹp nhất Nam Kinh, đặc biệt vào mùa xuân. Hoa đào ở đây thường nở rộ vào tháng ba và kéo dài trong khoảng 3 đến 4 ngày dọc con đường Jimingsi làm tôn lên vẻ đẹp yêu kiều của Nam Kinh.

Một trong những địa điểm tuyệt vời nhất để ngắm hoa đào là ngôi chùa Jiming lịch sử và Đại Khảo Đường (Examination Hall), được xây dựng trong thời dân quốc. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể dạo quanh Đại học Lâm Nghiệp Nam Kinh, hồ Xuewu và vườn Tình nhân để có thể chiêm ngưỡng hoa đào.

Ngoài ra, khuôn viện tại các trường Đại học ở Nam Kinh là một trong những nơi có nhiều cảnh đẹp nhất trong thành phố. Trường có nét kiến trúc có sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.

Một trong những điểm đến ở Nam Kinh còn có Miếu Phu Tử hay còn gọi là Khổng Miếu với niên đại gần 1000 năm, là nơi thờ cúng nhà giáo dục và nhà tư tưởng Khổng Tử. Đặc biệt nơi đây sở hữu cấm viện trường khoa thi lớn nhất Trung Quốc năm xưa. Miếu Phu Tử ngày nay được trùng tu rất đẹp và tinh tế nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và nghiêm trang, thu hút khách du lịch khắp nơi đổ về.

Trên đây là 4 cố đô nổi tiếng gắn liền với lịch sử Trung Hoa qua nhiều thế kỷ. Mỗi vùng đất có mỗi đặc trưng riêng, vùng nào cũng đẹp và nổi bật.
Tứ đại cố đô nổi tiếng Trung Quốc là những thành phố nào? Reviewed by Tiểu Bình on 01:03 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Xem tất cả
All Rights Reserved by Kênh thông tin du lịch Trung Quốc © 2016

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.